Là Giáo viên, bạn đã từng đứng trên bục giảng và chứng kiến học sinh nói chuyện riêng, không chú ý đến bài học, liên tục xem giờ, lôi bài môn khác ra học? hay học sinh gục mặt xuống bàn… đó là dấu hiệu của một tiết học NHÀM CHÁN.
Và câu hỏi đặt ra là: “Làm sao để thiết kế một tiết dạy thành công?” “Làm sao để người học thực sự hứng thú và phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo, tư duy của mình?”. Đó là lúc các Thầy Cô giáo phải nghĩ ra những phương pháp mới để biến giờ học của mình trở nên thú vị hơn. Và một trong những phương pháp đó là: xây dựng câu chuyện bằng hình ảnh trong dạy học.
Câu chuyện hình ảnh là sự kết hợp giữa nhiều phương tiện truyền thông. Nó được xây dựng dựa trên hình ảnh, kết hợp với văn bản, giọng nói, chuyển động, sự chuyển tiếp (giữa các hình ảnh), âm nhạc, tạo nên một sản phẩm phong phú để diễn đạt, chia sẻ, mô tả, trình bày về một câu chuyện.
Tác dụng của phương pháp xây dựng câu chuyện bằng hình ảnh trong dạy học
Có khả năng cung cấp thông tin một cách đầy đủ hơn khi sách giáo khoa (SGK) chưa trình bày đến nó
Giúp giáo viên tăng năng suất làm việc, giảm thiểu tính chất giảng dạy mang tính thông báo một chiều
Học sinh dễ tiếp thu trong quá trình nhận thức, giảm tính trừu tượng của kiến thức
Cải tiến phương pháp dạy học của giáo viên và thay đổi hình thức học của học sinh theo hướng tích cức
Tác dụng minh hoạ cho các khái niệm, quá trình. Nó hỗ trợ và phát huy mọi giác quan của người học. Tăng độ tin cậy và khắc sâu kiến thức
Giúp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Phần mềm hỗ trợ
Hiện nay có rất nhiều các công cụ hỗ trợ giúp cho các thầy cô giáo có thể tự xây dựng và xuất bản những câu chuyện của mình nhưng có lẽ phần mềm đơn giản và dễ sử dụng nhất là Storyjumper. Để sử dụng công cụ StotyJumper các thầy cô chỉ việc đăng nhập vào địa chỉ website: https://www.storyjumper.com, sau đó đăng ký bằng tài khoản facebook hay gmail. Sau khi đăng ký và đăng nhập thành công hệ thống giáo viên bấm vào Creat a book và tha hồ sáng tạo.
Các bước để xây dựng một câu chuyện hình ảnh
Xác định thông điệp, mục đích câu chuyện
Xây dựng ý tưởng
Thiết kế kịch bản/ kế hoạch
Thu thập dữ liệu (hình ảnh, tường thuật giọng nói, âm nhạc)
Xây dựng Câu chuyện hình ảnh
Chia sẻ, trình chiếu, xuất bản Câu chuyện hình ảnh
Một số áp dụng cụ thể trong các môn học
Lịch sử: Kể truyện về một nhân vật, thành tựu hay một sự kiện lịch sử.
Địa lý: Thuật lại những vấn đề về môi trường địa phương, một chuyến đi dã ngoại, nghiên cứu về các hiện tượng tự nhiên, xã hội.
Văn học: Kể tóm tắt một câu chuyện ( nhân vật, bối cảnh, cao trào, hành động).
Ngoài ra, người học sử dụng câu chuyện hình ảnh để báo cáo về chuyến tham quan kỹ thuật, hay để mô tả một phương tiện, nhân vật hoặc sự kiện. Chẳng hạn như, người học có thể mô tả một chuyến tham quan kỹ thuật của mình bằng một câu chuyện hình ảnh và sử dụng phụ đề giải thích hoặc giọng nói của mình để tường thuật.
Các bước sử dụng câu chuyện hình ảnh trong một tiết học cụ thể
Giới thiệu: Giáo viên và người học giới thiệu tổng quan về một vật – một thiết bị kỹ thuật, hay một từ vựng thông qua hình ảnh.
Giải thích: Giáo viên và người học sử dụng một chuỗi ảnh/ tranh để giải thích một hiện tượng hay một quá trình nào đó.
Kể chuyện: Giáo viên và người học có thể kể câu chuyện về một nhân vật hay một sự kiện thông qua hình ảnh.
Tạo tình huống học tập: Giáo viên lôi cuốn người học vào một câu chuyện trực quan và khuyến khích người học giải quyết những vấn đề nêu ra trong câu chuyện đó
Giới thiệu bài mới: Giáo viên có thể giới thiệu những khái niệm, ý tưởng mới, thông tin nền như là một hoạt động khởi động nhằm lôi cuốn người học vào quá trình học tập, hay nhằm mô tả một vấn đề.
Giúp người học tổng kết những kiến thức mới: Giáo viên có thể yêu cầu người học xây dựng Câu chuyện hình ảnh mô tả lại những gì họ đã được học, hay để tổng hợp kiến thức,v.v.
Để ôn tập và đánh giá kết quả học tập: Giáo viên có thể xây dựng một Câu chuyện hình ảnh như là một bài tổng kết trực quan về những khái niệm chính trong bài học nhằm ôn tập và tổng kết bài.
Việc giáo viên sử dụng phương pháp “xây dựng câu chuyện hình ảnh trong dạy học” thực sự hữu ích cho học sinh và đi đúng đường lối của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, người giáo viên khi sử dụng công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ quá trình giảng dạy cần kết hợp hài hòa sự hiểu biết về công nghệ của giáo viên trong giáo dục với kiến thức chuyên môn sư phạm tương tác với nhau để tạo thành một phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ hiệu quả.
– Theo Giáo dục thời đại –