“Cứ 100 doanh nghiệp hoặc công ty trên thế giới lâm vào tình cảnh phá sản thì có đến 85% trong số đó do chính sách của người đứng đầu mà ra” – Rand, Công ty tư vấn nổi tiếng thế giới –
Lãnh đạo giỏi không phải ở trên cao “chỉ tay năm ngón”. Lãnh đạo giỏi hiểu rõ mình nên như thế nào, cần làm gì, hiệu quả đến đâu và biết cách điều binh khiển tướng.
- Dám nghĩ dám làm và có kỹ năng quyết định
Tố chất thường thấy ở một nhà lãnh đạo là dám nghĩ dám làm và kỹ năng đưa ra quyết định. 12 năm trước, ông David Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Việt Thái có ý tuởng kinh doanh café mang hương vị quốc tế. Và mặc cho bạn bè nghi ngờ, Highlands vẫn ra đời và nhanh chóng thành công.
Thực tế, để ý tưởng triển khai vào thực tiễn mang lại kết quả tốt, để có một quyết định đúng đắn, đòi hỏi người lãnh đạo phải có một cảm quan tốt, đánh giá và dự báo được tình hình, cân nhắc được lợi hại của các quyết định và hiểu sâu sắc việc mình làm. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup từng chia sẻ, trước khi lên ý tưởng cho một dự án mới, ông thường đi đây đó để tham khảo. Cách làm này giúp cho các ý tưởng, kế hoạch của người lãnh đạo trở nên thực tế và sát sườn.
- Biết tìm người và giữ người
Tìm được người quản lý, nhân viên vừa giỏi kiến thức-chuyên môn, dám nhận công việc, vừa có bản lĩnh chịu trách nhiệm, vừa có đạo đức, hiểu được những chiến lược, tầm nhìn, văn hóa công ty… là rất khó.
Các nhà lãnh đạo cần xây dựng một đội ngũ nhân viên đồng lòng, tận tụy và có tinh thần hợp tác chung trong công việc.
- Biết lắng nghe, đồng cảm, và khích lệ nhân viên
Một nhà lãnh đạo giỏi luôn phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Lắng nghe xem họ gặp khó khăn gì. Lắng nghe cẩn thận để hiểu hơn về cuộc sống, cân bằng giữa cuộc sống, công việc.
Một nhà lãnh đạo giỏi luôn khích lệ nhân viên kịp thời. Chúc mừng và cảm ơn một nhân viên về những đóng góp vào công việc sẽ giúp bạn giữ được lòng trung thành của họ.
Một nhà lãnh đạo giỏi có khả năng truyền cảm hứng, động viên và tiếp thêm năng lượng cho nhân viên. Là một người cố vấn. Tập trung vào việc mang lại những điều tốt nhất cho mọi người, phát triển tài năng của họ và khuyến khích họ đưa ra sáng kiến và đánh giá.
- Có tầm nhìn xa
Tất cả các lãnh đạo đều đồng tình, điểm khác nhau giữa lãnh đạo và quản lý là nhà lãnh đạo có ý tưởng, có tầm nhìn xa. Một tầm nhìn xa sẽ giúp lãnh đạo vạch trước những chiến lược hoạt động dài hạn, dự đoán trước những biến động có thể xảy ra trong tương lai để chuẩn bị,tìm cách thích nghi và đón đầu cơ hội.
- Luôn học hỏi
Lãnh đạo học để tạo giá trị cho bản thân nhưng cũng là để tăng giá trị tài sản vô hình cho doanh nghiệp. Qua việc không ngừng học hỏi, lãnh đạo sẽ tích lũy được nhiều kiến thức để kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp và theo kịp những thay đổi của thời đại, của sức ép cạnh tranh không có chỗ cho cách làm cũ, tư duy cũ. Học gần như đã là bản năng với mỗi người lãnh đạo.
- Chân thành và hòa đồng
Một nhà lãnh đạo giỏi được biết đến như một người hòa đồng. Khi lãnh đạo cùng làm việc, cùng tham gia các hoạt động với nhân viên, nhân viên sẽ cảm thấy không còn khoảng cách xa với lãnh đạo. Đặc biệt nếu nhân viên làm được mà lãnh đạo cũng làm được thì sự tôn trọng, khâm phục của nhân viên với lãnh đạo sẽ dần cao hơn.
“Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn là người kiểm soát, trừ khi anh ta biến sức mạnh thành quyền lợi và phục tùng thành nghĩa vụ” – Jean Jacques Rousseau–
Nguồn sưu tầm