Để thực hiện mục tiêu bạn còn cần phải biết cách thiết lập chúng. Bạn không thể chỉ nói: “Tôi muốn” và mong chờ phép màu xảy ra được vì thiết lập mục tiêu là một quá trình lâu dài bắt đầu bằng việc xem xét cẩn thận những gì bạn muốn đạt được và kết thúc với rất nhiều khó khăn phải hoàn thành. Giữa lúc khởi đầu và kết thúc cần xác định các bước rõ ràng để vượt qua yêu cầu của từng mục tiêu. Hiểu được các bước này sẽ giúp bạn xây dựng mục tiêu khả thi. Dưới đây là năm quy tắc vàng để thiết lập mục tiêu:
Nguyên tắc thứ 1: Mục tiêu phải tạo ra động lực.
Khi đặt ra mục tiêu, phải đảm bảo mục tiêu này có thể khuyến khích bạn thực hiện vì nó rất quan trọng với bạn và tạo được giá trị khi hoàn thành. Nếu bạn không hào hứng với kết quả, hoặc mục tiêu không thích hợp với mục tiêu lớn hơn thì bạn sẽ bỏ ít công sức để thực hiện và mục tiêu khó có khả năng hoàn thành. Do đó động lực chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu.
Chỉ nên đặt mục tiêu có liên quan tới những ưu tiên cao trong cuộc sống bởi nếu có quá nhiều mục tiêu thì thời gian dành cho từng cái sẽ ít đi. Để đạt được mục tiêu thì phải có cam kết, do đó để tối đa hóa khả năng thành công, bạn cần phải có cảm thấy cấp bách phải thực hiện và một thái độ bức thiết rằng “tôi phải làm điều này”. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ không hoàn thành những việc cần làm để biến mục tiêu thành hiện thực và từ đó thấy thất vọng với chính mình, gây nản chí. Và kết quả cuối cùng là bạn sẽ gieo một phản ứng rất tiêu cực kiểu “Tôi chẳng làm nên trò trống gì hết” vào trong tâm trí, có thể nói đây là một trong những điểm đáng lưu ý khi bạn tham gia các khoá đào tạo kỹ năng sống.
Lời khuyên: Để đảm bảo mục tiêu của bạn mang tính thúc đẩy, hãy viết ra lý do tại sao mục tiêu này có giá trị và quan trọng với bạn. Hãy tự hỏi mình, “Nếu tôi chia sẻ mục tiêu này với người khác, tôi sẽ nói với họ những gì để thuyết phục họ rằng đó là một mục tiêu đáng giá?” Bạn có thể sử dụng trạng thái giá trị động lực khi bắt đầu nghi ngờ chính mình hoặc mất lòng tin.
Nguyên tắc thứ 2: Đặt mục tiêu SMART
Có thể bạn đã từng nghe nói về “Mục tiêu SMART” rồi nhưng bạn đã áp dụng các quy tắc đó chưa? Có thể nói mục tiêu thiết lập theo quy tắc SMART sẽ tạo ra nhiều động lực cho người thiết lập hơn. Có nhiều cách diễn giải về từ SMART nhưng nhìn chung thì SMART đại diện cho: Cụ thể – Đo lường được – Khả thi – Thích hợp – Có khung thời gian
+ Thiết lập mục tiêu cụ thể: Mục tiêu phải rõ ràng và được xác định rõ, tránh đặt mục tiêu mơ hồ hoặc chung chung vì không mang lại định hướng đầy đủ. Hãy nhớ rằng, bạn cần mục tiêu để chỉ đường do đó phải làm cho mục tiêu trở nên dễ dàng hơn bằng cách xác định chính xác nơi bạn muốn kết thúc.
+ Đặt mục tiêu đo lường được: Mục tiêu phải bao gồm khối lượng công việc chính xác, ngày tháng, vv…để có thể đo lường mức độ thành công của mục tiêu đó. Nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là “Giảm chi phí” thì làm sao bạn biết được khi nào mình sẽ thành công? Trong một tháng nếu bạn giảm được 1% chi phí hay trong thời gian hai năm khi bạn giảm được 10% chi phí? Nếu không có cách để đo lường thành công, bạn bỏ lỡ dịp được ăn mừng thời điểm thành công tới.
+ Đặt mục tiêu khả thi: Phải đảm bảo mục tiêu đặt ra có khả năng thực hiện được nếu không bạn sẽ dễ dàng mất tự tin và thấy nản lòng. Tuy nhiên, cũng tránh thiết lập mục tiêu quá dễ dàng vì khi bạn không phải làm việc vất vả để đạt được mục tiêu, chiến thắng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì và khiến bạn nhát gan không dám đặt ra các mục tiêu có nguy cơ cao. Tốt nhất nên thiết lập một mục tiêu thực tế nhưng thử thách để cân bằng mọi thứ khiến bạn phải “nâng cao khả năng” và mang lại sự hài lòng lớn nhất cho bản thân.
+ Đặt mục tiêu tương thích: Khi đặt mục tiêu tương thích với định hướng cuộc sống và sự nghiệp, bạn có thể phát triển tập trung để luôn tiến lên và hoàn thiện mình. Còn nếu đặt mục tiêu quá rộng và không phù hợp, bạn sẽ thấy thời gian sẽ đi một đường, còn cuộc sống sẽ đi một nẻo.
+ Đặt mục tiêu có thời hạn: Mục tiêu luôn phải có thời hạn. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ biết được thời điểm chính xác để ăn mừng thành công. Khi bạn làm việc dưới sức ép của hạn chót, bạn sẽ thấy cấp thiết và đạt được thành công nhanh hơn.
Nguyên tắc thứ 3: Ghi mục tiêu ra giấy
Ghi mục tiêu thành văn bản làm cho mục tiêu trở nên thực tế và hữu hình hơn vì bạn sẽ không có lý do gì để quên được. Khi bạn viết, sử dụng từ “sẽ” thay vì “muốn” hay “có thể”. Ví dụ, “Tôi sẽ làm giảm chi phí điều hành xuống dưới 10% trong năm nay”, thay vì “Tôi muốn giảm chi phí điều hành xuống dưới 10% trong năm nay.” Cách ghi đầu tiên trông có vẻ thực tế hơn và bạn “thấy” rõ mình đang cắt giảm chi phí. Còn cách ghi thứ hai có vẻ thiếu đam mê và sẽ cho bạn một cái cớ để xao lãng.
+ Lời khuyên 1: Viết mục tiêu bằng giọng văn tích cực. Nếu bạn muốn nâng cao khả năng duy trì mục tiêu hãy nói “Tôi sẽ giữ lại tất cả nhân viên cho quý tiếp theo” thay vì nói “Tôi sẽ cắt giảm tình trạng nhân viên nghỉ việc.” Câu đầu tiên tạo ra động cơ thúc đẩy còn câu thứ hai lại tạo thêm điều kiện “cho phép” bạn thành công ngay cả khi một số nhân viên ra đi.
+ Lời khuyên 2: Nếu bạn đang sử dụng Danh sách việc cần làm thì nên để mục tiêu lên đầu danh sách đó. Nếu bạn đang sử dụng một Chương trình hành động thì mục tiêu cũng nên được đặt lên trên cùng của Thư mục dự án.) Nên đặt mục tiêu ở những nơi dễ nhìn thấy như trên tường, trên bàn làm việc, trên màn hình máy tính hoặc dán lên gương phòng tắm hay tủ lạnh để liên tục nhắc nhở mình phải thực hiện mục tiêu. Bạn cũng có thể chia sẻ mục tiêu này với các thành viên khác để tiếp thêm động lực cho mình.
Nguyên tắc thứ 4: Lập kế hoạch hành động
Bước này thường bị bỏ qua trong quá trình thiết lập mục tiêu do người thiết lập thường quá quan tâm tới “đầu ra” mà quên lập kế hoạch cho tất cả các bước trên đường đi. Bằng cách viết ra từng bước đi một, bạn sẽ biết được mình đang đi tới đâu và thấy được cả quá trình đi tới mục tiêu cuối cùng. Đây là ghi chú cực kì quan trọng nếu mục tiêu của bạn quá lớn và lâu dài. Nếu bạn muốn rèn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp hiệu quả, hãy lập kế hoạch khắc phục các nhược điểm hiện tại, sau đó là những hành động nhỏ tạo thành thói quen giao tiếp chuyên nghiệp.
Nguyên tắc thứ 5: Bám sát mục tiêu!
Hãy nhớ rằng, thiết lập mục tiêu là cả một quá trình chứ không đơn thuần chỉ là sự kết thúc. Luôn ghi nhớ và nhắc nhở mình theo dõi mục tiêu và dành thời gian xem xét lại mục tiêu thường xuyên. Đích đến qua thời gian dài vẫn có thể giống như ban đầu nhưng kế hoạch hành động để đi tới mục tiêu khám phá bản thân có thể thay đổi đáng kể. Nhớ đảm bảo giữ vững tính tương thích, giá trị và sự cần thiết của mục tiêu nhé.
_ST Tiến Đạt_