Nhân viên giỏi có vai trò quyết định đối với hiệu quả công việc. Muốn đạt được hiệu doanh nghiệp phải tiến hành đào tạo nội bộ đúng cách để khai thác phát triển nguồn nhân lực vốn có. Đào tạo nội bộ gắn liền với việc xây dựng và duy trì nguồn nhân lực bên trong. Đào tạo nội bộ không còn là nhu cầu của riêng những ông lớn mà ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Bởi nhân sự là nền tảng, ví von như “lực lượng nòng cốt” của mỗi công ty, đào tạo nhân sự gắn liền với tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả công việc. Vậy việc đào tọa nội bộ mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?

1. Tăng năng suất công việc

Lý do dễ nhận thấy nhất là đào tạo nội bộ giúp tăng khả năng làm việc của nhân viên, giúp công việc được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Nghiên cứu chỉ ra các khoá đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp có thể thúc đẩy năng suất lao động tăng lên 40%, thậm chí còn hơn vậy tuỳ theo chất lượng của khoá học. Các khoá đào tạo này khai thác nội dung kiến thức, kỹ năng đã được cô đọng giúp tiết kiệm thời gian giảng dạy và giúp nhân viên nhanh chóng nắm bắt được vấn đề để áp dụng vào thực tiễn công việc. Do đó, chỉ trong vài tháng và đôi khi là vài ngày, các nhân viên đã được trang bị thêm rất nhiều kiến thức. Khi khả năng của một nhân viên tăng, hiệu suất công việc sẽ tăng một chút. Nhưng khi tính tổng số lượng nhân viên, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt nhờ vào “đào tạo nội bộ”.

2. Gây hứng thú làm việc cho nhân viên

Không chỉ đơn giản là khuyến học. Ngày nay, sự nghiệp là thứ quan trọng gắn liền với mỗi người. Nhu cầu về học hành cũng tăng lên. Việc “lười học” ở độ tuổi đi làm cũng không còn phổ biến do mong muốn được học hỏi và tăng khả năng của bản thân. Qua thực tế tiếp xúc với các doanh nghiệp, khi được hỏi suy nghĩ về các khoá đào tạo nội bộ, đa số nhân viên đều đưa ra những câu trả lời tích cực. Bởi với họ, việc học thêm không những giúp tăng hiệu quả công việc, tăng lương mà quan trọng hơn là giúp họ thay đổi bản thân, có thêm kiến thức.

3. Đầu tư dài hạn cho tương lai

Các doan nghiệp với số nhân sự lên đến vài chục nghìn người, vẫn đang bỏ ra số tiền khổng lồ cho đào tạo. Nếu nguồn ngân sách lớn, họ có thể gửi nhân viên ra nước ngoài học, thậm chí cấp học bổng cho các văn bằng, chứng chỉ cao hơn. Doanh nghiệp nhỏ có thể gửi nhân viên đến các khoá học đào tạo ngắn hạn, mở lớp đào tạo do ban lãnh đạo giảng dạy. Nhìn chung, họ đều hiểu rõ rằng đào tạo nội bộ là điều tất yếu. Đó là một quỹ đầu tư dài hạn cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thay vì quan tâm đến ứng viên tuyển dụng vào công ty, họ quan tâm nhiều hơn đến nhân viên đang làm việc. Mỗi công ty một khác, đào tạo để có nhân viên phù hợp nhất, chứ không chỉ người giỏi nhất.

4. Xây dựng lòng trung thành

Đào tạo nội bộ thường có các lớp học về văn hoá doanh nghiệp. Đây được coi là hoạt động “branding” nội bộ, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, sự trung thành cho nhân viên. Các khoá học sẽ giúp nhân viên hiểu về văn hoá, nền tảng của công ty, những điều công ty cần ở họ và những điều họ sẽ có được từ công ty. Mối quan hệ win – win, đôi bên cùng có lợi là điều kiện nền tảng cho sự trung thành. Và nhân viên cần phải hiểu rõ được điều đó.

5. Cơ hội thăng tiến

Bằng cách nào các doanh nghiệp đánh giá nhân viên và cân nhắc thăng tiến cho ai đó? Dựa vào năng lực, kinh nghiệm, học vấn, thái độ, quan hệ với đồng nghiệp,… Có rất nhiều yếu tố để đánh giá xem ai đó có phù hợp để thăng chức hay không. Nhu cầu tiến xa hơn trong công việc thì hầu như ai cũng có, nhưng nỗ lực để đạt được mục tiêu đó thì không chắc tất cả mọi người. Sự bận rộn của công việc đôi khi cũng kìm hãm nhân sự, khiến họ phải đánh đổi những cơ hội được học thêm. Vì vậy, đào tạo nội bộ chính là con đường tiết kiệm thời gian để được nhân cao trình độ mà vẫn đóng góp cho công ty, là cơ hội để họ được thăng tiến.

 

Mỗi doanh nghiệp có một phương châm khác nhau về đào tạo nội bộ tuỳ theo văn hoá, ngân sách và quan điểm của nhà lãnh đạo. Nhưng nhìn chung có thể thấy được nhu cầu lớn trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp chỉ tính riêng thị trường Việt Nam.

Nguồn: blog.hachium.com