Là gương cho nhân viên

Muốn truyền cảm hứng cho người khác, trước hết bạn phải thể hiện sự nhiệt tình, hăng hái trong công việc. Một nhà quản lý thiếu sức sống, ủ rủ thì không thể nào tạo động lực, cảm hứng làm việc cho cấp dưới. Vì vậy, người lãnh đạo cần phải có sự đam mê cống hiến với những gì họ làm. Thái độ và cách cư xử của người lãnh đạo tạo nên tinh thần chung của cả tổ chức. Nhân viên thường xuyên để ý tới bạn và sẽ tuân theo sự lãnh đạo của nếu bạn chứng tỏ được phẩm chất của một người sếp. Hãy ghi điểm với mọi người bằng sự nhiệt tình và thực tế về những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Hãy cố gắng trở thành hình mẫu lí tưởng để nhân viên có thêm động lực tiến lên phía trước.

Đặt niềm tin vào nhân viên

Được cấp trên tin tưởng luôn luôn là động lực lớn nhất đối với bất kì nhân viên nào. Khi bạn trao niềm tin, đồng thời bạn đã gửi đi thông điệp hiệu quả công việc nhân viên đạt được thật sự tốt và cấp trên không cần phải lo lắng bất cứ điều gì khi giao trọng trách cho họ. Vậy bạn có biết một cách đơn giản nhất để thể hiện sự tin tưởng dành cho nhân viên mà hầu hết các nhà lãnh đạo thành công đều áp dụng? Đó chính là giao quyền quyết định công việc cho các cá nhân thích hợp! Việc này đòi hỏi bạn phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên. Từ đó, giao việc cho nhân viên một cách thích hợp và đảm bảo rằng họ nắm vững trách nhiệm của mình một cách rõ ràng.

Truyền cảm hứng là khả năng liên hệ hiệu quả với người khác và cảm xúc của họ, qua đó quản lý các mối quan hệ và tạo ra những ảnh hưởng như mong muốn. Nhà lãnh đạo biết cách truyền cảm hứng sẽ xây dựng cho mình một đội ngũ cộng sự và nhân viên luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự thành công của công ty và không bao giờ đơn độc trong các cuộc chiến khốc liệt chốn thương trường.

Ghi nhận và khen thưởng đúng người, đúng thời điểm

Bất cứ ai khi đi làm cũng mong muốn những nỗ lực, cố gắng của mình được công nhận. Lãnh đạo biết cách khen ngợi, động viên cấp dưới đúng lúc, đúng chỗ là cách khích lệ hiệu quả để nhân viên phấn đấu hơn trong công việc. Bạn nên tập trung vào việc khen ngợi những thế mạnh của nhân viên, khen thưởng khi họ xứng đáng được nhận với những thành quả công việc đã đạt được, đồng thời thay vì tập trung chỉ trích khuyết điểm của họ trước tập thể thì nhà quản lý nên có buổi trao đổi kín nhằm khắc phục tình hình hiện tại.

Quan tâm đến vấn đề của nhân viên

Liệu nhân viên của bạn có hài lòng với công việc và môi trường làm việc hiện tại? Liệu họ có cảm thấy được đánh giá và lắng nghe? Hãy tìm hiểu, dành thời gian để nói chuyện và thảo luận những ưu tiên cũng như mong muốn của họ. Các cuộc nói chuyện cởi mở thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu nhân viên của mình hơn, từ đó sẽ có biện pháp thích hợp để thúc đẩy họ. Chắc chắn, nhân viên sẽ làm việc với nguồn năng lượng và cảm xúc mạnh mẽ hơn cho công việc.

Trao cơ hội cho nhân viên

Tập trung vào sức mạnh và năng lực của mỗi nhân viên. Mọi người hiểu được rằng họ nên làm những gì tốt nhất vào mỗi ngày, thì sự hài lòng và thỏa mãn với công việc chắc chắn sẽ đi theo sau, sẽ cảm thấy có động lực hơn nếu họ làm việc trong một môi trường nơi họ được thử thách và có cơ hội để đổi mới. Là một người sếp, hãy cho mọi người cơ hội vận dụng sự sáng tạo của họ. Ngoài ra, hãy nhiệt tình giúp đỡ nếu nhân viên cần tới bạn. Thường xuyên tập huấn để cải thiện trình độ chuyên môn cho nhân viên và tạo cơ hội để họ phát triển sự nghiệp, và luôn luôn khuyến khích họ trong mọi lúc.

Theo
Kỹ năng.vn